
Thành công và thất bại đều cần một thái độ ứng xử khôn ngoan
với nó.
Nên làm gì khi thành công?
Theo các nhà tâm lý học, sau khi đạt được mục đích mong muốn,
trong con người chúng ta có thể xuất hiện một cảm giác trống rỗng
và bất lực, một thái độ bi quan, một trạng thái kìm hãm, không tha
thiết gì cả...
Người ta gọi đó là những giây phút "trầm uất bởi sự thành công".
Một điều có vẻ nghịch lý là con người càng vững vàng, càng có ý
chí, mục đích đạt được càng trọng đại và có ý nghĩa thì nó lại càng
có thể làm cho con người mất thăng bằng hơn.
Theo M.Melia, chuyên gia thuộc trung tâm Tâm lý học Nga - Mỹ
Ecopsi, để vượt qua những giây phút khó khăn đó thì cần phải:
+ Hãy vui mừng vì điều đó đã xảy ra cho dù nó có vẻ kỳ lạ. Những
cơn trầm uất như vậy cũng cần thiết cho con người như những niềm
vui vậy. Đó là dấu hiệu mà cơ thể đưa ra để chúng ta hiệu chỉnh các
mục tiêu của mình trong thời gian tới.
+ Hãy nhìn lại những điều mà chúng ta vừa đạt được xem chúng ta
đã hướng vào những chuẩn mực nào để xem xét nó? Những chuẩn mực đó
có quá thấp với ta không? Ta đủ sức hay thừa sức để thực hiện việc
đó ?
+ Hãy đề ra cho mình những mục tiêu có triển vọng và nội dung
phong phú để định hướng cho cuộc đời và cho hành động tiếp theo của
chúng ta. Những mục tiêu này chúng ta có thể hoàn thiện từng bước
mà các chuẩn mực của nó sẽ luôn được nâng cao.
+ Tiếp theo, hãy đề ra cho mình những mục tiêu ngắn hạn cần đạt
được trong một thời gian ngắn, có tính hiện thực, cụ thể và có thể
ước tính được. Những mục tiêu này có tác dụng thúc đẩy lòng khao
khát thành công của chúng ta ở những mục tiêu xa hơn.
+ Nếu tất cả những mục tiêu lâu dài được cụ thể hóa trong những
mục tiêu trước mắt mà những mục tiêu trước mắt lại được gắn vào một
triển vọng lâu dài phù hợp với dự tính của chúng ta về con đường đã
chọn thì chúng ta sẽ đạt được một sự vững vàng về tâm lý và khả
năng làm việc tuyệt vời.
Cần làm gì để vượt qua sự thất bại?
Thất bại chỉ là một sự kiện, không phải là tính cách một con người
Mỗi người có thái độ phản ứng khác nhau trước sự thất bại. Có người
thì tập trung trí tuệ, nghị lực cho một thử thách mới; có người lại
tự giày vò, tự trách móc mình...Chuyên gia tâm lý M.Melia đã đưa ra
lời khuyên về cách ứng xử trong trường hợp này:
+ Không nên đặt ra cho mình nhiệm vụ "đừng bao giờ nghĩ về điều
ấy nữa', đó là điều không thể thực hiện được. Vì vậy, đừng cố quên
đi những suy nghĩ phiền muộn mà hãy tự đề ra một thời điểm gần nhất
để tâm sự, chia sẻ với ai về điều đó. Như vậy chúng ta sẽ cảm thấy
nhẹ nhõm hơn.
+ Cần tránh khái quát hóa vấn đề bằng những suy nghĩ như "Mình
chẳng làm được việc gì cả! Mình thật vô tích sự!" mà thay bằng :
"Trong hoàn cảnh ấy mình đã không đạt được điều mình mong muốn".
Đừng tự coi mình là người thất bại.
+ Bình tĩnh phân tích sự việc đã xảy ra. Cần tách rời những nhân
tố chủ quan dẫn đến thất bại ra khỏi những nhân tố khách quan. Nếu
những nhân tố thất bại ấy xuất phát từ chính chúng ta, hãy tìm cách
thay đổi chúng. Nên trao đổi ý kiến với những người thân, thậm chí
ngay cả người đối nghịch với mình để tìm ra những kết luận xác
đáng.
+ Nên viết lại những kết luận của mình về sự việc, coi như để chấm
hết cho sự không thành đạt của mình.
+ Hãy nhớ rằng sự thất bại tự thân nó không thể hạ thấp giá trị
của chúng ta. Nếu chúng ta biết cách đón nhận nó, đối diện với nó
một cách tỉnh táo thì chúng ta đã là người chiến thắng.