
Nhà nghèo quá, nhìn má tất bật nấu cơm tháng cho mấy anh chị
sinh viên ở trọ, tui chỉ nghĩ tới chuyện làm sao sớm kiếm ra tiền
phụ má. Học hành lẹt đẹt, lại chán học, cuối năm lớp sáu, tui bị
thi lại ba môn, coi như cầm chắc phần ở lại lớp.
Tui cầm quyển sổ liên lạc đưa cho má, thông báo luôn: "Sang năm,
má khoẻ rồi, khỏi cần lo tiền trường cho con!". Nghe tui giải
thích, má hỏi như đứt hết hơi: "Nghỉ học rồi con tính làm gì?" Tui
đáp ngay: "Thiếu gì chuyện để làm, má khỏi có sợ!"
Nghỉ hè, tui qua lò bánh mì trên ngã tư, xin lấy vài chục bánh đi
bán. ở các cổng trường học, bánh mì nóng bao giờ cũng là món đắt
hàng nhất. Bà chủ lò bánh mì đồng ý giao bánh, chiều về mới tính
tiền.
Năm chục bánh xếp trong cái cần xé cột sau xe đạp. Tui phóng xe,
chạy như bay đến một cổng trường tiểu học. Nghỉ hè, chẳng có đứa
con nít nào. Chạy khắp các con đường, hẻm hóc từng biết, tui đánh
bạo cất tiếng rao.
Thế nhưng suốt buổi sáng, cái cần xé chỉ vơi đi có hai cái bánh.
Những ổ bánh mì ban sáng giòn tan giờ đây mềm ỉu. Khi tui quay trở
về lò bánh mì, bà chủ lò dài giọng: "Dẹp luôn nghe,
nhóc!!"
Thấy mặt thằng con trai rầu rĩ, má tui không nói gì. Nằm suy nghĩ
mất hai hôm, tui bỗng sực nghĩ ra. Nghề sửa xe đạp xem chừng ngon
ăn nhất. Đúng đợt đó, ông Tám sửa xe đầu xóm giải nghệ. Nghe tui
năn nỉ, má gom tiền, cho tui mua lại cái thùng sắt đựng đủ thứ con
tán, ốc vít, cờ-lê,
mỏ-lết.
Tui ra ngồi ngay góc ngã tư. Mấy bữa đầu, cũng có vài người khách
tấp vào, nhưng dần dần thưa thớt hẳn. Tui phát hiện ra cách "tiệm"
của tui một quãng phố ngắn, có một hiệu sửa xe bề thế mới mở. Các
buổi trưa về nhà, mặt tui đã lọ lem dầu nhớt, lại còn buồn
hiu.
Phơi nắng nhiều, tui phát sốt nóng. Má vừa lụi cụi với cái bếp nấu
cơm tháng, khói than mù mịt, mồ hôi chảy ướt áo, vừa chăm sóc tui.
Tối khuya, ấp khăn lạnh lên trán tui, má khẽ khàng: "Không học thì
không nên cơm cháo gì đâu. Hay là kiếm chỗ học
nghề".
Qua kinh nghiệm thương đau từ lần bán bánh mì và sửa xe, tui thấy
làm… nghệ sĩ là sướng nhất, lại khỏi cần dãi nắng dầm mưa. Nghe tui
trình bày "nguyện vọng", má sững sờ. Hôm sau, đi chợ về, má nói tui
thay bộ đồ bảnh nhất, má dắt qua nhà bác Năm nghệ sĩ cải lương nổi
tiếng có mở lớp dạy ca
cổ.
Nắng chang chang, thế mà cái sân nhỏ nhà ông Năm người ta tụ tập
đông đen. Chỉ có mười tờ đơn xin học được phát ra. Mọi người chen
chúc, giành giật. Tui đứng ngoài, đợi má lấn từng chút tới gần cái
bàn phát đơn.
Dưới ánh nắng chói chang, đột nhiên tui nhận ra trên cổ má, không
hiểu sao, có dính mẩu lá rau cải xanh. Và một hạt mồ hôi rớt từ
chân tóc, đọng ngay giữa lá rau. Đó là một giây phút rất ngắn, thế
nhưng đủ để tui nhận ra nỗi vất vả, tất bật của một đời người dồn
tụ trong hạt mồ hôi ấy. Tui chạy len vào đám đông, nắm tay má, đòi
về.
Tui đã học như điên để thi lại vào cái mùa hè đó, và được lên lớp
bảy. Cho đến bây giờ, sắp lên lớp 12 rồi, mỗi khi cảm thấy chán
ngán học hành khó khăn, tui lại như được xốc dậy. Đó là
vì tui nhớ hạt mồ hôi đã chảy trong ngày hè năm đó, vì má không bao
giờ muốn tui đứt lìa chuyện học hành.
Tham khảo các câu chuyện khác từ Góc tâm hồn - Một góc nhỏ để làm giàu tâm
hồn bạn bằng những câu chuyện cảm động và khoảnh khắc ngọt
ngào.