
Và không nhất thiết là những gì bạn nói mới làm nên điều khác
biệt. Đôi khi, điều quan trọng chỉ là cách bạn biết lắng
nghe.
Hai người quen nhau được nửa năm thì anh ta có một cô bạn gái
khác. Lúc ấy tôi và nó học ở hai trường đại học khác nhau nên không
gặp nhau thường xuyên như xưa. Thỉnh thoảng khi gặp tôi, nó vẫn
cười, nụ cười gượng gạo để che giấu nỗi buồn mà nó không nói. Nhưng
tôi biết nó đau thế nào, vì chúng tôi là bạn thân từ rất lâu, tôi
hiểu cảm giác của nó và nó cũng vậy.
Mùa xuân về, bạn bè chúng tôi họp mặt, trò chuyện, tâm sự, vui
chơi cùng nhau. Một lần đi uống cà phê với nhóm bạn, nó gọi vài ly
ruhm séc và uống, nó vẫn vậy, không nói gì, uống một hơi, cuối mặt,
mỉm cười và hai dòng nước mắt lăn đều trên má. Nó dựa vào vai tôi
và khóc, giống như lúc nhỏ, tôi chỉ lắc đầu rồi nói vài câu vu vơ,
đủ để nó hiểu rằng tôi vẫn dõi theo và biết nó phải giấu đi nỗi
buồn như thế nào.
***
Sau cuộc gọi vào buổi chiều hôm ấy, tôi có mặt ở nhà nó cho đến
tối. Nó bảo trưa nay nó đi cùng với hai nhỏ bạn trong nhóm chúng
tôi. Hai nhỏ ấy đã an ủi và nói với nó nhiều điều. Một người kể
những câu chuyện vui và làm nó cười không ngớt, người còn lại nói
về những triết lý sống và bảo nó quên đi nỗi buồn. Rồi nó hỏi sao
tôi không nói gì, không kể chuyện vui để nó quên đi nỗi buồn, không
an ủi nó phải cố gắng vui lên?
Tôi bảo rằng tôi muốn nó đối diện với sự thật, không được trốn sau
men rượu, không cần gượng cười nếu đang cảm thấy không vui, không
được im lặng khi còn quá nhiều điều muốn nói.
Thế rồi nó cúi mặt khóc, khóc thật nhiều. Ngày này một năm về
trước nó đang rất hạnh phúc, giờ lại đang trả giá bằng nước mắt
rơi. Khi nó sắp ngừng khóc, tôi mới bắt chuyện :
- Mày nhớ nó lắm à?
- Mày biết không, năm ngoái, giờ này tụi tao đang nói nói chuyện
điện thoại với nhau...
Rồi nó kể liến thoắng không ngớt, kể chi tiết từng ngày kỉ niệm,
những giận hờn vu vơ ngày trước, lí do vì sao chia tay, sau đó nó
phải đối diện với nỗi buồn như thế nào, nó vừa kể vừa khóc. Tôi lại
tiếp tục hỏi, nó kể lớn hơn và khóc cũng to hơn. Và cứ thế tôi
hỏi... để nó kể... tôi lắng nghe .. Đến cuối cùng, tôi khuyên nó
một vài lời, nó cũng gật gù rằng đã hiểu phải làm gì..
Khi tôi ra khỏi cổng nhà nó, chào tạm biệt thì nó mỉm cười với
tôi, nụ cười không thật tươi nhưng cũng không còn gượng gạo. Nó nói
cảm ơn tôi vì đã giúp nó thật khác.
***
Tôi biết thêm nhiều, rất nhiều về nó, về câu chuyện tình buồn của
nó, và cả một điều rằng đôi khi bạn không cần là một đội viên cứu
hộ thì vẫn có thể giúp đỡ người khác được.
Và không nhất thiết là những gì bạn nói mới làm nên điều khác
biệt. Đôi khi, điều quan trọng chỉ là cách bạn biết lắng nghe.