Huyết trắng là những sản phẩm dịch tiết bình thường của đường
sinh dục người phụ nữ. Để biết cách chăm sóc sức khoẻ của người phụ
nữ tốt, chúng ta cần nhận biết các dấu hiệu bất thường của huyết
trắng để biết có phải là tình trạng bệnh lý hay không, cách chăm
sóc và điều trị phù hợp. Cùng Kotex GirlSpace và bác sĩ Phạm Tú Linh tìm hiểu khi
nào huyết trắng là bệnh và cách trị bệnh huyết trắng tại nhà trong
bài viết dưới đây bạn gái nhé!
Huyết trắng là gì?
Huyết trắng là chất dịch tiết của âm đạo gồm các chất tiết từ
các tuyến nhờn ở âm hộ và âm đạo (tuyến bã, tuyến mồ hôi, tuyến
Bartholin, tuyến Skenes), dịch thấm qua thành âm đạo, dịch nhầy từ
cổ tử cung, niêm mạc âm đạo và vòi trứng, các vi sinh vật và các
thượng bì tróc ra. Số lượng các tế bào thượng bì tróc và dịch nhầy
ở cổ tử cung thay đổi tuỳ theo nồng độ nội tiết trong chu kỳ kinh
nguyệt. Huyết trắng bình thường có màu trắng đục, mịn như bông, hơi
tanh nhẹ và không hôi
Huyết trắng có chức năng làm sạch, giữ ẩm và bảo vệ âm đạo chống
lại sự tấn công của các vi khuẩn gây bệnh. Huyết trắng còn là chất
bôi trơn giúp giảm ma sát, đau rát khi quan hệ tình dục.
Huyết trắng khi nào là bệnh?
Số lượng và tính chất bình thường của huyết trắng có thể thay
đổi bởi các nguyên nhân như nội tiết tố nữ , thai kỳ, suy giảm miễn
dịch, thụt rửa hay hoạt động tình dục.
Huyết trắng sinh lý thường không mùi hoặc có mùi tanh nhẹ, không
gây cảm giác ngứa. Bất cứ sự thay đổi tính chất của huyết trắng đều
có thể là bệnh lý:
- Thay đổi về màu sắc: màu trắng xám,vàng, xanh hoặc trắng đục
lợn cợn như váng sữa đông.
- Thay đổi về số lượng: huyết trắng ra nhiều hơn, đóng thành
mảng, có khi bám ở thành âm hộ , âm đạo
- Thay đổi về mùi: có mùi tanh, hoặc mùi hôi, nhất là sau giao
hợp.
- Thay đổi về độ nhầy: huyết trắng có bọt, lợn cợn, khi khô có
thể bong thành mảng.
- Kèm theo các dấu hiệu khác như ngứa âm hộ, âm đạo, cảm giác
nóng hoặc tiểu rát, đau khi quan hệ tình dục.
Nguyên nhân gây bệnh huyết trắng
Bình thường trong âm đạo người phụ nữ có các vi khuẩn tồn tại,
có quan hệ mật thiết với môi trường âm đạo. Âm đạo cung cấp dưỡng
chất cho vi sinh vật, đảm bảo cho vi sinh vật phát triển. Ngược
lại, các vi sinh vật tạo cho âm đạo một môi trường có tính acid với
pH 3,5 đến 4,5, giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn gây
bệnh.
Do một số nguyên nhân, nếu pH âm đạo bị kiềm hoá sẽ là điều kiện
thuận lợi cho các vi khuẩn cơ hội và các tác nhân gây bệnh khác xâm
nhập và phát triển, gây bệnh lý viêm âm đạo hoặc viêm cổ tử cung,
biểu hiện là tình trạng huyết trắng thay đổi bệnh lý.
Các tác nhân có thể gây bệnh huyết trắng gồm có:
- Tác nhân vi khuẩn, chiếm 40-50%: thường gặp vi khuẩn kỵ khí như
Gardnerella vaginalis, Prevotella, Porphyromonas, Mobiluncus sp...
Biểu hiện thường gặp là tiết dịch huyết trắng nặng mùi. Tác nhân vi
khuẩn gây viêm cổ tử cung , huyết trắng nhiều như mủ, màu vàng hoặc
xanh tiết ra từ cổ tử cung: do Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia
trachomatis.
- Tác nhân là nấm chiếm 20-25%: là vi nấm hạt men Candida sp, phổ
biến nhất là Candida albicans. Bệnh huyết trắng do nấm rất đặc
trưng, có dạng "phomai sữa" không mùi, đặc, dính, với pH từ 4-5,
thường kèm sự viêm kích ứng ngứa hoặc rát âm hộ - âm đạo .
- Tác nhân trùng roi Trichomonas vaginalis, chiếm 15-20 %. Có tỷ
lệ lây qua đường tình dục cao, nên điều trị cho bạn tình là cần
thiết.
Cách trị huyết trắng tại nhà:
Khi có dấu hiệu huyết trắng bất thường, các chị em phụ nữ cần
tìm các yếu tố thuận lợi và nguyên nhân để có thể điều trị. Một số
yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh có thể thay đổi hoặc tránh tiếp xúc để
huyết trắng không bị bất thường như sau:
- Do tiếp xúc hoá chất: kem bôi, xà bông.
- Thói quen thụt rửa âm đạo
- Sử dụng kháng sinh phổ rộng.
- Sử dụng thuốc ngừa thai có estrogen cao, thuốc corticoide.
- Có nhiều bạn tình , không sử dụng biện pháp ngừa thai bao cao
su.
- Dị vật ở âm đạo .
- Có thai.
- Bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
Các biện pháp có thể dùng để dự phòng bệnh huyết trắng :
- Giữ vệ sinh vùng âm hộ, âm đạo : rửa vệ sinh vùng âm hộ , không
thụt rửa âm đạo gây rối loạn hệ vi sinh vật và pH của âm đạo . Giữ
vệ sinh sau khi quan hệ tình dục, trong kỳ kinh nguyệt, tránh để âm
hộ ẩm ướt kéo dài.
- Không sử dụng kháng sinh bừa bãi.
- Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Nên đi khám phụ khoa định kỳ.
- Khi mắc bệnh nên điều trị đúng, đủ thời gian, tránh tái phát
bệnh và tránh lây nhiễm cho người khác.
- Giữ sức khoẻ lành mạnh, tăng cường thể dục.
Khi nào cần gặp bác sĩ để điều trị:
Khi huyết trắng có tình trạng bất thường, có rất nhiều nguyên
nhân có thể gây bệnh, từ viêm nhiễm âm hộ, âm đạo đến nặng hơn là
viêm cổ tử cung . Nếu các bệnh lý này không được điều trị phù hợp,
bệnh lý huyết trắng có thể nặng hơn, kéo dài, gây ảnh hưởng không
nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của người phụ nữ. Vì vậy,
chị em phụ nữ nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa sản phụ khoa
ngay khi có các dấu hiệu bất thường của huyết trắng như sau:
- Huyết trắng có màu bất thường ( vàng, xanh, trắng xám, đục như
mủ), có mùi hôi, tanh nhiều, lượng nhiều, bám thành mảng, có bọt
hay lợn cợn...
- Ngứa âm hộ, âm đạo .
- Rát vùng âm hộ, âm đạo hoặc đau khi quan hệ tình dục.
- Tiểu rát, tiểu lắt nhắt.
- Đau âm ỉ vùng bụng dưới, sốt.
Tuỳ theo tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, vi nấm hay trùng roi,
bác sĩ sẽ cho sử dụng các loại kháng sinh nhạy với đúng tác nhân
đó. Có thể sử dụng kháng sinh bôi tại chỗ như Clindamycin 2%,
Metronidazole 5g, Miconazol.., thuốc dạng đặt âm đạo như
Clotrimazol.., kháng sinh đường uống như Metronidazole,
Ceftriaxone, Cefotaxim, Cefixime... Tuỳ loại thuốc, có thể được
điều trị với liều duy nhất hoặc điều trị kéo dài 5-7 ngày.
Cần kết hợp việc điều trị thuốc và các biện pháp giữ vệ sinh,
tránh các yếu tố gây bệnh sẽ giúp việc điều trị hiệu quả, tránh tái
phát.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin khác tại Kotex GirlSpace hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia để nhận tư vấn thêm về
chủ đề mình quan tâm.