Đau bụng dưới là tình trạng đau vùng bụng thấp dưới rốn, rất
thường gặp ở người phụ nữ, nhất là các bạn nữ trong độ tuổi sinh
sản. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc thường xuyên, đau âm ỉ
hoặc đau quặn từng cơn. Khi những cơn đau bụng bụng dưới bên trái
xuất hiện, có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc một số bệnh lý
khác nhau. Vì vậy, các bạn nữ nên chú ý những dấu hiệu của hiện
tượng đau bụng dưới bên trái và tìm nguyên nhân sớm để tránh có
bệnh lý diễn tiến nặng hơn. Cùng Kotex GilSpace và BS. Phạm Tú Linh tìm hiểu chi tiết
về vấn đề đau bụng dưới bên trái ở nữ trong bài viết dưới đây
nhé!
Các nguyên nhân gây ra đau bụng dưới bên trái ở nữ:
1/ Bệnh lý phụ khoa:
Vùng bụng dưới ở nữ giới tương quan với cơ quan sinh dục nữ, vì
vậy có rất nhiều bệnh lý phụ khoa có triệu chứng đau bụng dưới bên
trái. Nguyên nhân phụ nữ đau bụng dưới bên trái thường gặp là do
viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung nằm ở bên trái, lạc nội mạc tử
cung, viêm vòi trứng, u nang buồng trứng trái, u xơ tử cung trong
dây chằng rộng bên trái, đau do rụng trứng...
2/ Bệnh lý của hệ tiêu hoá:
Các bệnh tiêu hoá có thể gây đau bụng dưới bên trái ở nữ như táo
bón, viêm đại tràng, viêm túi thừa cấp, thoát vị bẹn nghẹt, u ở
trực tràng.... Ngoài dấu hiệu đau vùng bụng dưới bên trái, thường
có kèm theo các dâu hiệu khác như sốt, buồn nôn hoặc nôn ói, sốt,
táo bón, thay đổi tính chất phân...
3/ Bệnh lý hệ tiết niệu:
Các nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu , đau quặn thận bên
trái... thường ít gặp hơn. Thường có triệu chứng đau bụng dưới bên
trái và tiểu nhiều lần, tiểu gắt buốt, sốt ớn lạnh..
Cách chẩn đoán và điều trị bệnh đau bụng dưới bên trái ở
nữ
Hiện tượng đau bụng dưới bên trái ở nữ là tình trạng khá nguy
hiểm, cần được kiểm tra tìm nguyên nhân có bệnh lý hay không. Việc
chẩn đoán sớm sẽ giúp điều trị bệnh thành công, giảm các biến chứng
có thể gây ảnh hưởng khả năng sinh sản và sức khoẻ của người phụ
nữ.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác các tính chất của cơn đau và
các triệu chứng kèm theo và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để
tìm nguyên nhân bệnh.
- U nang buồng trứng:
cơn đau thường âm ỉ kéo dài, không liên quan đến ngày hành kinh
hoặc rụng trứng, thường do u buồng trứng to gây chèn ép các cơ quan
lân cận hoặc xuất huyết trong u buồng trứng gây căng đau. Nếu cơn
đau đột ngột, đau quặn dữ dội, có thể kèm nôn ói, sau đó tự giảm
dần nhưng vẫn còn đau âm ỉ, có thể là một tình trạng u buồng trứng
bị xoắn gây thiếu máu nuôi và hoại tử u buồng trứng. Tình trạng u
buồng trứng xoắn nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây nhiễm
trùng nhiễm độc, viêm phúc mạc, gây hoại tử buồng trứng phải cắt
buồng trứng và giảm khả năng sinh sản.
- U xơ tử cung: tuỳ vị
trí và kích thước u xơ tử cung mà triệu chứng đau có thể thay đổi.
U dạng có cuống bị xoắn gây đau hoặc u xơ to chèn ép vào dây thần
kinh vùng chậu gây đau, chèn ép ruột dạ dày có thể gây táo bón.
- Thai ngoài tử cung:
có trễ kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt kèm dấu hiệu đau bụng âm ỉ và
đau tăng dần, rong huyết, có thể kèm dấu hiệu thiếu máu cấp như
xanh xao, huyết áp tụt do thai ngoài tử cung vỡ gây chảy máu nhiều
trong ổ bụng. Đau có thể lan từ bụng dưới bên trái sang đau khắp
bụng, kèm theo buồn nôn, nôn ói.
- Viêm vùng chậu: là
tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục trên của người phụ nữ, bao gồm
viêm nội mạc tử cung, viêm ống dẫn trứng, áp-xe tai vòi - buồng
trứng, viêm phúc mạc chậu. Triệu chứng đau thường đột ngột, khoảng
1/3 trường hợp có xuất huyết âm đạo bất thường, ra khí hư nhầy mủ,
sốt, tiểu đau. Có thể kèm dấu hiệu tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói.
Nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến các tác nhân lây qua đường
tình dục như lậu cầu, Chlamydia trachomatis và một số vi khuẩn kỵ
khí, trực trùng Gram âm đường ruột.
Nguyên nhân
|
Tính chất đau
|
Triệu chứng kèm theo
|
Thai ngoài tử cung
|
Thắt chặt, liên tục
|
βhCG (+), ra huyết âm đạo
|
U nang buồng trứng xoắn
|
Đau đột ngột, thắt chặt, đau như cắt
|
Buồn nôn, nôn ói
|
U xơ tử cung to
|
Âm ỉ, đau nhói, đau đớn
|
Táo bón, tiểu khó
|
Viêm vòi trứng
|
Trì nặng, âm ỉ
|
Sốt
|
Áp-xe tai vòi- buồng trứng
|
Từng cơn
|
Thường xuyên sốt cao, tiêu chảy
|
Viêm đại tràng, viêm túi thừa cấp
|
Quặn cơn
|
Tiêu chảy hoặc táo bón, có thể sốt
|
Thoát vị bẹn nghẹt
|
Quặn trên nền âm ỉ
|
Có khối phồng ở vùng bẹn, chướng bụng
|
Viêm bàng quang, sỏi đường tiết niệu
|
Co thắt, quặn từng cơn
|
Tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu máu, sốt
|
- Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu sau:
- Tổng trạng có thiếu
máu, nhiễm trùng hay không.
- Phản ứng đau tại
vùng bụng dưới bên trái, dấu hiệu khác trên bụng.
- Khám âm đạo, kiểm
tra tình trạng khí hư bất thường, viêm tại cổ tử cung, tình trạng
ra huyết bất thường.
- Khám dấu hiệu có u
hay không, dấu hiệu đau của tử cung, tai vòi, buồng trứng. Các dấu
hiệu căng đau ở cùng đồ nghi ngờ có dịch hoặc máu trong ổ bụng.
- Khám hậu môn, trực
tràng kiểm tra bệnh lý tiêu hoá.

- Các bộ xét nghiệm lựa chọn tuỳ theo nguyên nhân bệnh:
- Công thức máu: kiểm
tra dấu hiệu thiếu máu nếu có xuất huyết, tăng bạch cầu khi nhiễm
trùng.
- Định lượng βhCG kiểm
tra dấu hiệu có thai.
- Siêu âm đánh giá u
nang buồng trứng, u xơ tử cung, thai ngoài tử cung, sỏi đường tiết
niệu.
- Chụp MRI bụng chậu
kiểm tra dấu hiệu u buồng trứng xoắn, u xơ thoát hoá, vị trí , kích
thước u, hạch kèm theo hoặc các dấu hiệu nghi ngờ thai ngoài tử
cung mà siêu âm không tìm thấy vị trí thai.
- Nội soi ổ bụng giúp
chẩn đoán chính xác viêm vùng chậu.
- U nang buồng trứng
xoắn, u nang vỡ, hoặc u nang to chèn ép gây đau: phẫu thuật
nội soi hoặc mở bụng, có thể bóc u nếu chẩn đoán sớm chưa có dấu
hiệu hoại tử buồng trứng. Phẫu thuật cắt u và buồng trứng nếu bệnh
diễn tiến nặng.
- U xơ tử cung to:
phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa tuỳ theo biến chứng của u
xơ, nguyện vọng sinh con của bệnh nhân.
- Viêm vùng chậu: điều
trị nội khoa sớm với thuốc kháng sinh phổ rộng kết hợp. Mục tiêu
điều trị ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng huyết, ngăn ngừa vô sinh,
ngăn ngừa thai ngoài tử cung. Can thiệp phẫu thuật được chỉ định
trong các trường hợp không kiểm soát được bằng điều trị nội khoa,
thường sau 72 giờ điều trị kháng sinh mà tình trạng áp-xe tai vòi
buồng trứng, viêm vùng chậu nặng không cải thiện.
Cách phòng ngừa, hạn chế đau bụng dưới bên trái ở nữ
Đau bụng dưới bên trái ở nữ là tình trạng khá phổ biến, có thể
nguy hiểm, không nên thờ ơ. Vì vậy, khi có dấu hiệu đau bụng dưới
bên trái ở nữ, các chị em nên đi khám sớm.
Kiểm tra sức khoẻ định kỳ mỗi năm để tầm soát và theo dõi các
bệnh lý u nang buồng trứng, u xơ tử cung.
Khi nghi ngờ có thai, nên đi khám thai để được kiểm tra thai đã
vào trong tử cung hay chưa.
Sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây nhiễm
qua đường tình dục.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo
nên thực hiện tầm soát nhiễm Chlamydia trachomatis thường quy
mỗi năm đối với phụ nữ có quan hệ tình dục dưới 25 tuổi, và các phụ
nữ trên 25 tuổi có các yếu tố nguy cơ như có nhiều bạn tình hay bạn
tình mới.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin khác tại Kotex GirlSpace hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia để nhận tư vấn thêm về
chủ đề mình quan tâm.