
Dâu tây là giống cây miền ôn
đới, có tên khoa học là Fragaria chiloesis, hơn 80 năm trước, người
Pháp đã đưa qua Việt Nam trồng thử nghiệm nhưng chỉ duy nhất khí
hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt mới phù hợp. Bởi vậy dâu tây được xem là đặc
sản của thành phố du lịch Đà Lạt.
Dâu Đà Lạt được trồng quanh năm,
nhưng rộ mùa từ dịp Noel đến đầu mùa hè. Dâu tây chứa nhiều vitamin
A, E, B1, B2 và C giúp làm đẹp da, tăng sức đề kháng cho cơ thể
chống nhiễm trùng, nhiễm độc cảm cúm.
Một cuộc nghiên cứu gần đây ở Hoa
Kỳ cho thấy dâu tây chứa rất nhiều chất chống ô xy hóa (lão hóa)
rất tốt cho tim. Theo kết quả nghiên cứu trên những người thường
xuyên ăn dâu (hơn 2 lần một tuần) có huyết áp thấp hơn, lượng
folate trong máu cao hơn và có tác dụng giảm cân, đây là những gì
cần thiết cho một trái tim khỏe mạnh. Có thể ăn tươi, chế biến
cốc-tai, kem, kẹo, rượu, nước cốt xi-rô…
Trước đây, nông dân Đà Lạt chỉ quen
canh tác giống dâu được du nhập từ Pháp, theo năm tháng đã bị thoái
hóa, nên về hình thức trái dâu nhỏ, màu hồng nhạt trông không đẹp,
nhưng lại có mùi thơm rất đặc trưng, giống này phù hợp cho việc chế
biến các loại thức uống, ngâm rượu…
Gần đây Đà Lạt du nhập thêm một số
giống dâu mới từ Đài Loan, Mỹ, New Zealand… có ưu điểm trái lớn,
màu sắc tự nhiên đẹp và năng suất cao hơn giống dâu truyền thống.
Để có thể phân biệt những giống dâu mới lưu ý các đặc điểm sau: với
dâu Đài Loan, người bán hay gọi là "dâu Pháp", về hình thức trái
lớn, nhiều khía, có màu đỏ tươi, cuống lá có ria khía rất dễ phân
biệt, dâu có mùi thơm đặc trưng nhưng dễ dập nát khi đưa đi xa.
Với giống Selva được bà con nông
dân gọi là "dâu Mỹ đá", có màu đỏ đậm, trái tròn đẹp, cuống lá
không có ria khía trông rất hấp dẫn, nhưng ít mùi thơm, ăn hơi chua
nhưng trái cứng dòn có thể vận chuyển đi xa không bị dập nát; gần
đây ở Đà Lạt có thêm giống Pajero được gọi là "dâu Mỹ đá thơm", về
hình thức tương tự như "dâu Mỹ đá" nhưng có mùi thơm rất đặc trưng
và ngọt hơn .