Hơi
thở hôi không chỉ đơn giản là vì chưa biết cách vệ sinh miệng đúng
cách mà có thể là dấu hiệu của bệnh viêm lợi, viêm quanh răng. Nếu
không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây mất răng, viêm khớp, viêm
màng tim…
Hơi thở hôi nồng nặc - dấu hiệu của bệnh
Tỉ lệ người dân Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng rất cao. Đặc
biệt, bệnh viêm lợi, viêm quanh răng gây cho người bệnh hơi thở rất
khủng khiếp và có tới trên 90% người dân bị các bệnh này từ mức độ
nhẹ đến nặng. Chính những túi mủ quanh chân răng là nguyên nhân
khiến hơi thở hôi, răng bị lung lay và "ổ vi khuẩn".
Ảnh hưởng sớm nhất người bệnh dễ dàng nhận thấy đó là hơi thổi
hôi khiến họ rất thiếu tự tin trong giao tiếp, hoặc bị mọi người xa
lánh. Nhưng ít người nghĩ hơi thở hôi là bệnh lý mà chỉ biết ra sức
đánh răng, nhiều người ngày đánh răng 4-5 lần mà vẫn hôi.
Biến chứng nguy hiểm từ bệnh răng miệng
Hầu hết các bệnh nhân bị viêm lợi, viêm quanh răng đều đến viện
khi đã ở giai đoạn muộn. Các biến chứng thường gặp là xương ổ răng
và lợi bị hủy hoại, làm răng mất chức năng nhai, nghiền của nó. Nếu
bị mất răng do bệnh quá nặng, phải làm lại răng giả thì chi phí
cũng rất cao, từ một vài triệu đến 40-50 triệu đồng. Nhưng răng
giả, dù có đắt tới đâu cũng không thể tốt được như răng thật.
Không chỉ gây mất răng, những túi mủ ở quanh chân răng chính là
"ổ" chứa hàng nghìn con vi khuẩn. Các vi khuẩn này xâm nhập vào cơ
thể qua đường họng, vào máu… có thể gây các bệnh toàn thân nguy
hiểm khác như viêm khớp, viêm màng tim, viêm cầu thận…
Để phòng ngừa bệnh viêm quanh răng hiệu quả, trước tiên phải
biết đánh răng đúng cách. Đánh nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm,
khi các sợi nylon của bàn chải có dấu hiệu lão hóa phải thay bàn
chải ngay. Cần kiểm tra răng miệng sáu tháng một lần và lấy cao
răng thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Vì các mảng cao bám này
chính là nơi để vi khuẩn trú ngụ và gây mùi hôi cho miệng.
Tuy nhiên, chỉ đánh răng không thể sạch được hết vi khuẩn trong
miệng. Vì thế, để miệng hết hôi, cần kết hợp đánh răng và vệ sinh
lưỡi. Sau khi đánh răng, cần sử dụng cây nạo lưỡi nạo nhẹ để làm
sạch các lớp vi khuẩn, thức ăn thừa và chất nhầy trên bề mặt lưỡi.
Tiếp đó súc miệng bằng nước súc miệng tiệt trùng sẽ hạn chế được
tối đa vi khuẩn gây hôi miệng, gây các bệnh về răng miệng.