Hiện tượng rong kinh khá phổ biến đối với bạn gái chúng mình
hiện nay. Đây là phản ứng sinh lý bình thường nhưng cần được can
thiệp kịp thời và đúng cách, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến sức
khỏe cũng như sự phát triển chung của cơ thể ở giai đoạn về sau. Vì
vậy, các bạn gái hãy cùng đọc bài viết để tìm hiểu rong kinh là gì,
lý do bị rong kinh và bị rong kinh làm sao hết nhé!
Tham khảo:
Nguyên nhân chậm kinh mà không có thai - Trễ kinh bao lâu là có
thai?
Rong kinh là gì?
Thế nào là rong kinh? Thông thường, một
chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài trong khoảng 28 - 32 ngày,
thời gian của một kỳ kinh diễn ra từ 3 - 5 ngày, mất đi khoảng 50 -
80ml máu. Máu kinh thường có màu đỏ sẫm, không đông, có nhiều chất
vụn của tế bào niêm mạc âm đạo, tử cung và các vi khuẩn có sẵn
trong âm đạo.
Nếu kỳ kinh nguyệt diễn ra đúng vào chu kỳ kinh nguyệt nhưng kéo
dài trên 7 ngày và mất đi lượng máu vượt quá 80ml/chu kỳ thì các
bạn gái đang gặp phải hiện tượng rong kinh.
Khi bị rong kinh, các bạn gái sẽ nhận thấy kinh nguyệt ra nhiều,
mỗi lần thay băng cần phải sử dụng tới 2 băng vệ sinh và cần thay
băng liên tục mỗi giờ. Về ban đêm, kinh nguyệt vẫn ra nhiều. Máu
kinh thường đóng thành cục lớn và bạn gái hay bị đau bụng dưới. Nếu
rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài thì bạn gái
thường có dấu hiệu mệt mỏi, hay thở dốc, có những triệu chứng của
tình trạng thiếu máu.
Tham khảo:
7 cách làm chậm kinh nguyệt tự nhiên - Thuốc làm chậm kinh gây ảnh
hưởng gì?
Nguyên nhân gây rong kinh thường gặp
Lý do bị rong kinh được chia thành 2 nguyên nhân chính: nguyên
nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý. Rong kinh có nguy hiểm không
tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân sinh lý
Rong kinh sinh lý là tình trạng chảy máu do rối loạn nội tiết
tố, thường gặp trong giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ
hoạt động sinh sản như:
Rong kinh ở tuổi dậy thì
Trong vòng hai năm đầu tiên khi bắt đầu có kinh, cơ thể bạn gái
đang trong quá trình phát triển. Hoạt động của buồng trứng, tử cung
và nội tiết tố nữ dần hoàn thiện. Do vậy, chu kỳ kinh nguyệt của
bạn gái thường rối loạn không đều, bị rong kinh là một trong những
tình trạng thường gặp của giai đoạn này.
Rong kinh tuổi tiền mãn kinh
Giai đoạn tiền mãn kinh thì chu kỳ kinh nguyệt thưa dần, ra máu
kéo dài hoặc ra nhiều huyết hơn. Trong giai đoạn tiền mãn kinh,
niêm mạc tử cung thường quá sản dạng tuyến nang gấp 10 lần so với
lứa tuổi 20 - 45. Vì vậy, phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh cũng thường gặp
hiện tượng rong kinh.
Tham khảo:
Làm sao để có kinh nguyệt sớm hơn 1 tuần - Ăn gì để nhanh ra kinh
nguyệt?
Nguyên nhân bệnh lý
Thông thường lý do bị rong kinh do các bệnh lý như u xơ tử cung,
viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung, buồng trứng đa nang, ung thư
nguyên bào nuôi, ung thư nội mạc tử cung,…
U xơ tử cung
Đây là căn bệnh thường gặp ở nữ giới, nhất là ở các bạn nữ trong
độ tuổi sinh sản (30 - 35 tuổi). Theo số liệu thống kê, có đến 20%
phụ nữ trên thế giới mắc căn bệnh này. U xơ tử cung có thể gây nên
tình trạng chảy máu kinh nguyệt nhiều, kéo dài hay rong kinh.
Việc điều trị tùy theo kích thước khối u và biến chứng u xơ tử
cung gây ra. Nếu khối u nhỏ có thể theo dõi định kỳ kết hợp điều
trị nội khoa. Nếu khối u to kèm theo rong kinh rong huyết nhiều thì
cần phẫu thuật bóc tách khối u hoặc cắt tử cung.
Polyp tử cung
Polyp tử cung là một khối u nhỏ, mềm, dính vào thành trong tử
cung và sa vào buồng tử cung. Polyp được hình thành từ sự phát
triển quá mức của các tế bào nội mạc tử cung. Kích thước của chúng
từ vài mm cho đến vài cm. Polyp được nối vào thành tử cung qua một
chân rộng hoặc một cuống nhỏ. Đôi khi chúng không gây ra những dấu
hiệu hoặc triệu chứng nào. Một số trường hợp dẫn tới tình trạng
rong kinh rong huyết kéo dài.
Ung thư
Ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung,… là các lý do bị
rong kinh ác tính, gây nên tình trạng chảy máu bất thường đường
sinh dục. Căn bệnh này thường xuất hiện phổ biến ở nữ giới độ tuổi
45 - 75 và đang có xu hướng trẻ hóa.
Nhiễm trùng
Một số tình trạng rong kinh cũng có thể do viêm nhiễm đường sinh
dục như viêm nội mạc tử cung gây ra. Vì vậy, các bạn gái đừng quên
khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị
kịp thời nhé!
Một số nguyên nhân khác
- Dụng cụ tránh thai: Rong kinh là một tác dụng phụ mà các bạn
gái thường gặp khi thực hiện đặt vòng tránh thai.
- Thuốc: Một số loại thuốc như thuốc kháng viêm, thuốc nội tiết
estrogen và progestin hay thuốc chống đông máu như warfarin
(Coumadin, Jantoven) hoặc enoxaparin (Lovenox) có tác dụng phụ góp
phần làm cho kinh nguyệt kéo dài hơn, như rong kinh.
Bị rong kinh làm sao hết?
Khi bị rong kinh kéo dài quá 7 ngày trở lên, có máu đông, mệt
mỏi trong cả chu kỳ,… thì bạn cần tới gặp bác sĩ để được điều trị.
Bạn gái lo lắng bị rong kinh phải làm sao nhưng nên lưu ý là không
tự ý mua thuốc hay sử dụng thuốc uống vì sẽ khiến tình trạng bệnh
của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Việc làm sao để hết rong kinh sẽ phụ thuộc vào lý do bị rong
kinh, mức độ nghiêm trọng, tuổi cũng như tiểu sử của người bệnh.
Các bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp nhất. Bằng
phương pháp trị liệu các bác sĩ có thể kê thuốc hoặc sử dụng các
biện pháp phẫu thuật để can thiệp.
Tham khảo:
Máu kinh ra nhiều phải làm sao? Kinh nguyệt ra nhiều có nguy hiểm
không?
Trị rong kinh bằng thuốc
Bị rong kinh uống thuốc gì? Bạn gái tham khảo một số loại thuốc
sau nhé:
- Thuốc bổ sung sắt
- Thuốc tránh thai
- Thuốc bổ sung hormone
- Thuốc ibuprofen
Các bạn gái cần xin tư vấn từ bác sĩ trước khi quyết định sử
dụng các loại thuốc trên. Nếu điều trị bằng mọi biện pháp không kết
quả, các bác sĩ sẽ can thiệp bằng phẫu thuật.
Trị rong kinh bằng thủ thuật y khoa
Các phương pháp này thường dùng cho những bệnh nhân lớn tuổi và
không có nhu cầu sinh con, cụ thể:
- Cắt nội mạc tử cung
- Nạo nội mạc tử cung
- Cắt bỏ tử cung gồm cả tử cung và cổ tử cung
Một số tips dinh dưỡng cho các bạn gái cải thiện tình trạng
rong kinh
Bị rong kinh nên ăn gì hay bị rong kinh nên uống gì? Chế độ dinh
dưỡng, sinh hoạt có thể chiếm đến 40% kết quả điều trị đối với các
bạn gái bị rong kinh. Vì thế, bạn cần bổ sung các thực phẩm sau để
tăng sức đề kháng, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn:
- Rau quả tươi: Đây là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều vitamin A,
C, E giúp các bạn gái cân bằng nội tiết tố, hồi phục sức khỏe, tăng
sức đề kháng cho cơ thể.
- Ngũ cốc: Các loại ngũ cốc như yến mạch, các loại hạt, lúa mạch…
giúp tăng cường sức đề kháng, cân bằng nội tiết tố, giúp quá trình
điều trị rong kinh ở các bạn gái diễn ra hiệu quả hơn.
- Cá biển: Cá biển có chứa nhiều omega 3 có tính chất phục hồi
tổn thương, cân bằng nội tiết tố, tốt cho máu,…sẽ rất phù hợp cho
các bạn gái bị rong kinh.
- Nhóm thực phẩm giàu sắt: Khi bị rong kinh, các bạn gái thường
sẽ bị mất khá nhiều máu. Vì vậy nhóm thực phẩm này giúp bổ sung
sắt, tốt cho máu, giúp cơ thể không bị thiếu máu, mệt mỏi, từ đó
tăng khả năng phục hồi và điều hòa kinh nguyệt tốt hơn đấy!
- Nước: Và tất nhiên cũng không quên uống nhiều nước giúp thanh
lọc cơ thể, đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu đến các cơ quan và
giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, bạn nhé.
Tuy nhiên, khi bị rong kinh, bạn cần nhờ sự tư vấn ý kiến từ bác
sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào. Các chuyên gia có khả
năng xác định rõ liệu bạn có thật sự cần phải bổ sung dinh dưỡng
hay không cũng như liều lượng sử dụng phù hợp. Ngoài ra, tác dụng
phụ và nguy cơ tương tác giữa chất bổ sung với thuốc hay thức ăn
cũng là yếu tố mà bạn cần phải lưu ý.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin khác tại Kotex GirlSpace hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia để nhận tư vấn thêm về
chủ đề mình quan tâm nhé!