Vô kinh là một trong những hiện tượng bất thường của kinh nguyệt
mà bạn gái có thể gặp phải. Vậy vô kinh là gì, có thể điều trị được
không? Làm sao để phân biệt vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ
phát? Hãy cùng Kotex Girlspace tìm hiểu chủ đề này trong bài viết
dưới đây nhé!
Tham khảo: Tắc kinh là gì? 6 cách chữa
tắc kinh nguyệt tại nhà
Vô kinh là gì?
Vô kinh được xem là hiện tượng mất kinh nguyệt, tức là bạn gái
không thấy kinh nguyệt xuất hiện trong 3 tháng trở lên, hay bạn gái
đã đến độ tuổi dậy thì nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt. Vô kinh được
chia làm 2 loại: vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.
Vô kinh nguyên phát là gì?
Vô kinh nguyên phát là trường hợp bạn gái đến tuổi dậy thì (16
tuổi) nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt.
Vô kinh thứ phát là gì?
Vô kinh thứ phát là trường hợp bạn gái đột ngột mất kinh trong
nhiều tháng. Bạn có thể nhận biết vô kinh thứ phát nếu bạn có kinh
nguyệt đều là 3 tháng, kinh nguyệt không đều là 6 tháng.
Tham khảo: Cách chữa không có kinh
nguyệt - Nguyên nhân mất kinh nguyệt
Nguyên nhân gây vô kinh
Sử dụng các biện pháp tránh thai
Khi sử dụng thuốc tránh thai, bạn có thể gặp tình trạng vô kinh.
Ngay cả sau khi ngừng uống, cơ thể bạn cần có thời gian điều chỉnh
lại chu kỳ rụng trứng và từ đó kinh nguyệt mới bình thường trở lại.
Sử dụng miếng dán, que cấy tránh thai cũng gây nên hiện tượng mất
kinh tương tự.
Lối sống
Thói quen sinh hoạt thiếu điều độ như thức khuya, chế độ dinh
dưỡng không đầy đủ, làm việc quá sức, có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh
nguyệt, gây nên tình trạng vô kinh.
Tham khảo: Kinh nguyệt lần đầu có màu
gì? Dấu hiệu sắp có kinh nguyệt lần đầu
Cân nặng thất thường
Cân nặng tăng giảm đột ngột có thể làm gián đoạn nhiều chức năng
nội tiết tố trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự rụng trứng. Những bạn
gái bị rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn hoặc mắc chứng cuồng
ăn có khả năng bị vô kinh do những thay đổi nội tiết tố bất thường
này.
Vận động quá sức
Với các nữ vận động viên thể thao chuyên nghiệp, việc tập luyện
nhiều và liên tục sẽ làm chu kỳ kinh nguyệt bị gián đoạn. Vô kinh
cũng xảy ra với các bạn gái vận động quá nhiều, mệt mỏi và thường
xuyên kiệt sức.
Tham khảo: 10 tuổi có kinh nguyệt - 11
tuổi có kinh nguyệt có đáng lo không?
Stress
Căng thẳng tinh thần có thể tạm thời thay đổi hoạt động của vùng
dưới đồi - một khu vực trong não kiểm soát các hormone điều chỉnh
chu kỳ kinh nguyệt. Từ đó làm gián đoạn sự rụng trứng và gây
mất kinh nguyệt.
Mất kinh tự nhiên
Những nguyên nhân gây vô kinh có thể xuất phát từ cơ chế sinh lý
của cơ thể như thai kỳ, cho con bú, mãn kinh.
Bệnh lý
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Làm rối loạn hormone, từ
đó gây nên rối loạn kinh nguyệt, cụ thể là mất kinh tạm thời.
Suy tuyến giáp: Khi tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)
hoặc tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể gây ra tình trạng
vô kinh.
Khối u tuyến yên: Một khối u (lành tính) trong tuyến yên có thể
can thiệp vào sự điều hòa nội tiết tố của kinh nguyệt.
Mãn kinh sớm: Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu vào khoảng 50
tuổi. Nhưng, đối với một số người, nguồn cung trứng của buồng trứng
giảm dần trước 40 tuổi từ đó mất hẳn kinh nguyệt.
Tham khảo: Kinh nguyệt không đều ở tuổi
dậy thì - Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì phải làm
sao?
Bất thường của tử cung
Sẹo tử cung: Hội chứng Asherman là một tình trạng mô sẹo tích tụ
trong niêm mạc tử cung, có thể xảy ra sau khi nạo mổ lấy thai hoặc
điều trị u xơ tử cung. Sẹo tử cung ngăn ngừa sự tích tụ và bong ra
bình thường của niêm mạc tử cung.
Thiếu cơ quan sinh sản: Khiếm khuyết bẩm sinh 1 bộ phận trong hệ
thống cơ quan sinh sản, chẳng hạn như tử cung, cổ tử cung hoặc âm
đạo. Sự thiếu sót này khiến các vấn đề sinh lý bình thường như kinh
nguyệt không xảy ra.
Di truyền: Nếu trong gia đình hoặc họ hàng có tiền sử bị rối
loạn hay mất kinh nguyệt, có khả năng cao bạn sẽ gặp tình trạng
tương tự.
Vô kinh có nguy hiểm không?
Bạn nghĩ rằng mỗi tháng không gặp "bà dì" sẽ thoải mái hơn nhiều
đúng không? Nhưng vô kinh chính là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe sinh
sản của bạn đang có vấn đề đấy! Mất kinh nguyệt đồng nghĩa với
không có khả năng mang thai. Đồng thời, khi vô kinh do nồng độ
estrogen thấp cũng có thể có nguy cơ bị loãng xương. Do đó bạn gái
không nên chủ quan mà hãy theo dõi các triệu chứng bất thường của
kinh nguyệt và cơ thể để có kế hoạch điều trị cần thiết nhé!
Những triệu chứng đi kèm
Tùy thuộc vào nguyên nhân, bên cạnh việc mất kinh nguyệt, bạn có
thể gặp các triệu chứng khác xuất hiện đi kèm như tiết dịch núm vú,
rụng tóc, đau đầu, thay đổi tầm nhìn, đau vùng xương chậu,
mụn...
Nếu bạn thấy 3 tháng gần đây ngày đèn đỏ không xuất hiện hoặc
bạn đã đến tuổi dậy thì nhưng chưa có kinh nguyệt thì hãy đến cơ sở
y tế hoặc bệnh viện để được thăm khám.
Chẩn đoán vô kinh ra sao?
Các bước chẩn đoán vô kinh thứ phát
Bước 1: Loại trừ mang thai bằng xét nghiệm hCG nước tiểu hoặc
beta hCG huyết thanh.
Bước 2: Bác sĩ sẽ hỏi bạn những biểu hiện gần đây như tình trạng
stress, thay đổi cân nặng, chế độ ăn uống, tập luyện thể thao. Bạn
có dùng thuốc nào có thể gây vô kinh (như thuốc nội tiết tránh
thai, danazol…) hay không? Bạn có bị nổi mụn trứng cá, rậm lông…
hay các triệu chứng chèn ép thần kinh do u vùng hố yên: đau đầu,
nhìn mờ, chán ăn, tiểu nhiều… hay không? Ngoài ra, nếu có những
triệu chứng của thiếu estrogen: bốc hỏa, khô âm đạo… có khả năng là
do suy buồng trứng. Người có tiền sử nạo phá thai, viêm niêm mạc tử
cung cũng dễ bị mất kinh.
Bước 3: Tiến hành đo chỉ số BMI. Nếu BMI 30 kg/m2 thì rất có thể
mất kinh do buồng trứng đa nang. Nếu bạn có một hay nhiều triệu
chứng nêu trên thì sẽ được làn xét nghiệm lâm sàng chi tiết hơn như
đo nồng độ prolactin, FSH, TSH máu. Nếu sau xét nghiệm lâm sàng
nghi ngờ tăng lượng androgen thì nên định lượng testosteron máu và
DHEA-S.
Bước 4: Sau khi xét nghiệm tìm ra nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra
phác đồ điều trị cụ thể cho từng trường hợp vô kinh thứ phát.
Chẩn đoán vô kinh nguyên phát
Bước 1: Để chẩn đoán vô kinh nguyên phát, trước hết bác sĩ sẽ
xem xét các yếu tố về độ tuổi, tiền sử bệnh bẩm sinh. Nếu bạn gái
dậy thì chưa hoàn thiện thì có khả năng vô kinh do những nguyên
nhân suy buồng trứng hoặc tuyến yên hoặc bất thường nhiễm sắc thể.
Chiều cao có ảnh hưởng từ yếu tố gia đình không hay tiềm ẩn hội
chứng Turner hoặc bệnh dưới đồi và tuyến yên. Xem xét cường tuyến
thượng thận bẩm sinh. Bạn cần cung cấp thông tin về chế độ ăn uống,
sinh hoạt, tập luyện, sử dụng thuốc (nếu có)...
Bước 2: Tiến hành khám lâm sàng, đánh giá sự phát triển sinh lý
trong độ tuổi dậy thì, khám tìm các đặc điểm của hội chứng
Turner.
Bước 3: Xét nghiệm và siêu âm xem có sự bất thường của tử cung,
cổ tử cung và âm đạo hay không.
Điều trị vô kinh như thế nào?
Sau khi thực hiện các bước chẩn đoán, tùy thuộc vào nguyên nhân
gây bệnh mà bác sĩ đưa ra những cách điều trị phù hợp.
Với vô kinh thứ phát, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp
hormone khác có thể ổn định lại chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu bạn gái bị vô kinh nguyên phát, bác sĩ chỉ định kê thuốc đặc
trị, thậm chí cần phải phẫu thuật.
Nếu bị vô kinh do hội chứng buồng trứng đa nang, bạn cần giảm
cân bằng cách ăn kiêng và tập thể dục. Các loại thuốc như metformin
trị tiểu đường cũng có thể được chỉ định.
Để chữa vô kinh hiệu quả, ngoài các biện pháp can thiệp từ bên
ngoài như uống thuốc hay phẫu thuật, bạn cần có một chế độ sinh
hoạt phù hợp như: Giữ cân nặng cân đối và kết hợp chế độ dinh dưỡng
hợp lý, không tập thể thao quá sức hoặc không có huấn luyện viên
thích hợp, khám sức khỏe định kỳ...
Trên đây là những thông tin bổ ích về khái niệm vô kinh cũng như
nguyên nhân và cách điều trị. Hy vọng sau bài viết này bạn gái đã
có kiến thức về sự bất thường của kinh nguyệt và biết cách chăm sóc
bản thân rồi nhé!
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin khác tại Kotex GirlSpace hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia để nhận tư vấn thêm về
chủ đề mình quan tâm.