Bạn biết gì về những rối loạn kinh
nguyệt ở tuổi dậy thì? Những bất thường đó bao gồm hành kinh sớm,
hành kinh muộn, vô kinh nguyên phát, kinh nguyệt không đều và rong
kinh. Cùng tìm hiểu về những triệu chứng của những bất thường kinh
nguyệt này và cách giải quyết sao cho hiệu quả nhé các bạn
nữ!
Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, kinh nguyệt là
hiện tượng bong tróc niêm mạc tử cung và chảy máu ra ngoài âm đạo
theo chu kỳ hàng tháng. Kỳ kinh nguyệt đầu tiên đánh dấu tuổi dậy
thì của các bạn nữ. Vào độ tuổi dậy thì, trong khoảng 2 năm từ khi
có kinh nguyệt lần đầu, chu kỳ kinh có thể không ổn định vì lúc này
hệ thống trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng chưa phát triển
hoàn chỉnh.
Các rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
1. Muộn kinh ở tuổi dậy thì
Muộn kinh là những trường hợp hành
kinh lần đầu tiên khi đã trên 16 tuổi. Lượng huyết kinh có thể ít
hơn so với những người khác. Nguyên do dẫn đến dậy thì muộn có thể
là vì buồng trứng kém phát triển, hoặc do dinh dưỡng kém, người bé
nhỏ, gầy yếu hoặc do bệnh tật nên cơ thể kém phát triển.
Tham khảo: Vô kinh là gì? Vô kinh nguyên
phát và vô kinh thứ phát
2. Rong kinh tuổi dậy thì là gì?
Rong kinh tuổi dậy thì là khi thời
gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày, hậu quả làm cho các
bạn nữ xanh xao thiếu máu, người mệt mỏi. Vì ra huyết kéo dài, tạo
điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên các bạn gái bị rong
kinh thường dễ bị viêm đường sinh dục. Viêm nhiễm có thể lan tỏa
lên hai vòi tử cung (trước đây gọi là vòi trứng) làm hẹp hoặc tắc,
dễ bị thai ngoài tử cung hoặc vô sinh trong tương lai. Mặt khác,
rong kinh có thể gây rối loạn phóng noãn (rụng trứng) và đó cũng là
một nguyên nhân gây vô sinh.
Tham khảo: Cách chữa không có kinh
nguyệt - Nguyên nhân mất kinh nguyệt
3. Vô kinh tuổi dậy thì là gì?
Vô kinh tuổi dậy thì là khi quá 18 tuổi mà vẫn chưa hành kinh.
Có 2 loại nguyên nhân:
- Rối loạn nội tiết: đây là một hội chứng liên quan chặt chẽ từ
não đến buồng trứng, rất khó điều trị mà biểu hiện bên ngoài là cơ
quan sinh dục phụ không phát triển như: vú nhỏ, không có lông mu,
lông nách, âm hộ nhỏ bé. Ngoài ra, rối loạn này có thể là do rối
loạn nhiễm sắc thể giới tính thường gặp ở những người nam giả nam
hoặc nữ giả nữ.
Tham khảo: Kinh nguyệt lần đầu có màu
gì? Dấu hiệu sắp có kinh nguyệt lần đầu
- Bất thường về phát triển của bộ phận sinh dục: là những trường
hợp không phát triển một phần hoặc toàn bộ phận sinh dục. Nếu bộ
phận sinh dục không phát triển hoàn toàn thì không có hiện
tượng kinh nguyệt, ví dụ như không có tử cung hoặc không có buồng
trứng. Nếu bộ phận sinh dục không phát triển một phần thì bạn nữ
vẫn có hiện tượng kinh nguyệt, nhưng vì huyết kinh bị ứ lại không
chảy ra ngoài được nên gọi là bế kinh.
4. Tắc kinh ở tuổi dậy thì và những triệu chứng gợi
ý
Tắc kinh là hiện tượng đau bụng
vùng dưới đều đặn hằng tháng khi đến tuổi dậy thì, mỗi lần đau kéo
dài 3-4 ngày, sau đó trở lại bình thường. Những lần sau đau tăng
hơn lần trước. 5, 6 lần đau như vậy sẽ thấy một khối ở trên xương
mu, nhiều khi đau căng, quằn quại, các cháu nữ có thể kêu khóc do
quá sức chịu đựng.
Nếu bế kinh do màng trinh không
thủng thì bạn gái sẽ thấy nặng, căng tức ở âm hộ. Khi khám 2 môi bé
ở âm hộ thấy huyết kinh làm giãn màng trinh và có màu tím.
Tham khảo: 10 tuổi có kinh nguyệt - 11
tuổi có kinh nguyệt có đáng lo không?
Hậu quả của tắc kinh
Khi bị tắc kinh, do huyết kinh
không thoát ra được, ứ đọng lại làm tử cung và vòi tử cung dãn
căng, phá hủy niêm mạc của tử cung và vòi tử cung nên bạn gái không
thể có thai được. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát
triển, có thể làm nhiễm khuẩn rồi vỡ và sẽ gây viêm phúc mạc ổ
bụng. Thậm chí vỡ vòi tử cung do căng giãn quá mức.
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì phải làm sao?
- Với những trường hợp đau bụng kinh, bác sĩ có thể kê cho bạn
các loại thuốc giảm đau kháng viêm không corticoid như paracetamol,
ibuprofen,... hoặc thuốc viên tránh thai kết hợp. Bạn gái không nên
tự ý sử dụng các loại thuốc này để giảm đau mà không có sự chỉ định
từ bác sĩ nhé.

- Các trường hợp vô kinh thường bắt nguồn từ rối loạn dinh dưỡng
và tâm lý. Vì rối loạn dinh dưỡng và tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến
kinh nguyệt mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cơ thể nên
bạn gái hãy đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn cải
thiện dinh dưỡng và giải toả các vấn đề về tâm lý.
- Với các trường hợp rong kinh hay ra máu bất thường do nhiễm
khuẩn hoặc do những bất thường ở cổ tử cung, bạn gái nên thăm khám
và điều trị nhiễm khuẩn, đồng thời nên thực hiện xét nghiệm tế bào
cổ tử cung để tầm soát ung thư.
- Các trường hợp thiểu kinh như kinh ít, kinh thưa cũng cần được
theo dõi kỳ, bất kỳ dấu hiệu bất thường kèm theo nào cũng nên được
lưu ý và thăm khám kịp lúc.
Phòng tránh những bất thường kinh nguyệt tuổi dậy thì
Bạn gái nên quan tâm đến hiện tượng
đau bụng, đặc biệt là đau bụng diễn ra hằng tháng có tính chất chu
kỳ mà không phải hành kinh để đưa các em đi khám bệnh và điều trị
kịp thời.
Bạn gái nên ăn nhiều hoa quả, đủ dinh dưỡng, ăn uống khoa học để
phát triển tốt về thể chất.
Nếu bị rong kinh, bạn gái phải đến khám bệnh ở những phòng khám
chuyên khoa để điều trị sớm, tránh rối loạn phóng noãn sẽ gây vô
sinh.
Tham khảo: Kinh nguyệt không đều ở tuổi
dậy thì - Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì phải làm
sao?
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy
thì thường có nhiều biểu hiện và triệu chứng khác nhau. Các bạn gái
nên đặc biệt quan tâm đến những thay đổi liên quan đến kinh nguyệt
hàng tháng để kịp thời theo dõi và điều trị khi rối loạn kinh
nguyệt chuyển sang bệnh. Để đề phòng trường hợp ngày đèn đỏ bất
thường, đừng quên mang bên mình "trợ thủ" đắc lực Kotex
Hàng Ngày nhé!